Khai mạc Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam lần thứ 24 - năm 2023

Thứ sáu - 22/09/2023 09:52 259 0
(BĐ) - Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ 24 - năm 2023, do Bộ TT&TT, UBND tỉnh Bình Định và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc sáng nay (22.9), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Dự khai mạc, về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bế Trung Anh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT); Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT (Bộ TT&TT)…
Quang cảnh lễ khai mạc hội thảo.
Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Định có đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Về phía lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam có Phó Chủ tịch Phùng Văn Ổn.
Đông đảo đại biểu dự khai mạc hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của khoảng 800 đại biểu đến từ các cơ quan của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia, diễn giả; DN, hội, hiệp hội ngành CNTT-TT trong cả nước.
Với chủ đề “Dữ liệu số và các nền tảng hỗ trợ ra quyết định”, hội thảo là diễn đàn đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội đoàn kết, hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành trong cả nước về lĩnh vực CNTT-TT, chuyển đổi số, nhằm hoàn thiện mô hình chính quyền số, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và DN. Đồng thời, là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, chuyển đổi số tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, giới thiệu về hoạt động và năng lực của đơn vị, tìm kiếm hợp tác, giới thiệu những giải pháp kỹ thuật công nghệ mới, liên kết đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT-TT đáp ứng phát triển KT-XH của đất nước.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay: Hội thảo năm nay có chủ đề “Dữ liệu số và các nền tảng hỗ trợ ra quyết định”. Theo đó, dữ liệu số và nền tảng số là hai thành tố cơ bản nhất của chuyển đổi số. Dữ liệu được sinh ra từ các nền tảng và được khai thác bởi các nền tảng, có dữ liệu thì các nền tảng hoạt động hiệu quả, sử dụng nền tảng thì lại thêm dữ liệu mới. Hai thành tố này độc lập nhưng gắn kết chặt chẽ và không thể tách rời.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng mong rằng các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy chuyển đổi số tại lĩnh vực mình, địa bàn mình. Để làm được vấn đề này, điều đầu tiên cần tập trung là phát triển dữ liệu ngành, dữ liệu địa phương, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này. Dữ liệu càng được chia sẻ, càng được sử dụng nhiều thì càng tạo ra giá trị.
Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: Sự kiện năm nay được tổ chức tại Bình Định - "đất võ, trời văn, người số". "Người số" không chỉ là trí tuệ nhân tạo, mà còn bao gồm cả chính chúng ta. Vì vậy, Bình Định và các địa phương hãy tiên phong phát triển xã hội số, gồm 8 yếu tố đặc trưng là: Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính số, một chữ ký số, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản và kỹ năng số cơ bản".
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhiệm vụ chuyển đổi số của Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Có thể thấy, công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp đã từng bước dựa vào dữ liệu; công nghiệp CNTT có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và sự tham gia của các DN công nghệ hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, Bình Định đang phấn đấu xây dựng TP Quy Nhơn trở thành một trong những Trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của cả nước trong thời gian đến.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc hội thảo.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để các địa phương trong cả nước gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số ở địa phương, nhằm từng bước xây dựng chính quyền số hiện đại, đồng bộ, góp phần tích cực cho nhiệm vụ cải cách hành chính, phục vụ người dân và DN, đảm bảo quốc phòng - an ninh và phát triển KT-XH bền vững.
 
 
Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Phùng Văn Ổn chia sẻ một số ý kiến tại lễ khai mạc hội thảo.
Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Phùng Văn Ổn nhấn mạnh, hội thảo mang tính cộng đồng đông đảo, toàn diện nhất Việt Nam, luôn mang lại không khí mới, tinh thần mới cho công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của Việt Nam. Đồng thời, kỳ vọng chuyển đổi số chính là cơ hội để Bình Định và các tỉnh miền Trung bứt phá, tận dụng cơ hội để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực, nhất là xây dựng chính quyền điện tử, phát triển KT-XH của địa phương. Chuyển đổi số sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của cả nước nói chung, cũng như miền Trung và tỉnh Bình Định nói riêng, nhằm nâng cao đời sống của người dân, sức cạnh tranh của DN và hiệu quả cho chính quyền địa phương các cấp.
Tại phiên khai mạc hội thảo, các nhà quản lý và chuyên gia đã báo cáo một số tham luận về Chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2023; tầm quan trọng và vai trò của cơ sở dữ liệu dân cư góp phần thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia; xây dựng mô hình tham chiếu và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh; cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường; chuyển đổi dữ liệu từ hạ tầng CNTT truyền thống lên điện toán đám mây; cung cấp dịch vụ công liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; nền tảng tổng hợp, phân tích, dự báo (iTitan) xây dựng dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành cho cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) báo cáo tham luận chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia năm 2023”.
Ông Nguyễn Công Thị, Giám đốc Kỹ thuật - Trung tâm giải pháp Chính phủ điện tử, Tập đoàn VNPT báo cáo tham luận chủ đề "Xây dựng mô hình tham chiếu và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh".
Ông Khuất Hoàng Kiên, Phó Cục trưởng Cục CNTT và Dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT) trình bày tham luận chủ đề "Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường: Định hướng, khó khăn, vướng mắc trong triển khai và kết nối, liên thông".
Ông Đỗ Hải Nam, Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Cloud, Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel, báo cáo tham luận với chủ đề: Chuyển đổi dữ liệu từ hạ tầng CNTT truyền thống lên điện toán đám mây.
 
TS Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng Phòng kiểm soát thủ tục hành chính khối kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), trình bày tham luận chủ đề: Cung cấp dịch vụ công liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
 
Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Công ty CP Tin học giải pháp tích hợp mở, báo cáo tham luận với chủ đề: Nền tảng tổng hợp, phân tích - dự báo (iTitan) xây dựng dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành cho cơ quan nhà nước.
 
Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, công bố báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và úng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2022.
 
Đại biểu dự hội thảo tham quan khu triển lãm CNTT-TT.
Cũng tại hội thảo, Bộ TT&TT công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ kết nạp Trung tâm CNTT-TT tỉnh Bình Định là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung; ký biên bản ghi nhớ về việc phối hợp triển khai, thúc đẩy chữ ký số trên địa bàn tỉnh Bình Định; công bố báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2022 (VietNam ICT Index 2022).
Ban tổ chức hội thảo tặng hoa cho đại diện các đơn vị tài trợ hội thảo.
Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ TT&TT , Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao quyết định của Thủ tướng về việc kết nạp Trung tâm CNTT-TT tỉnh B́nh Định là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung đến ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định.
Sở TT&TT tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm chứng thực Chữ ký số quốc gia (Bộ TT&TT) tổ chức ký kết Biên bản ghi nhớ với các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng để hỗ trợ cá nhân là người dân trên địa bàn tỉnh Bình Định dùng miễn phí dịch vụ ký số từ xa. 
 
* ÔNG NGUYỄN PHÚ TIẾN, PHÓ CỤC TRƯỞNG PHỤ TRÁCH CỤC CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA (BỘ TT&TT):
2023 là Năm dữ liệu số với 6 cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung triển khai
 
Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đề ra 8 mục tiêu về dữ liệu số. Đến tháng 9.2023, mục tiêu tỷ lệ bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NDXP/LGSP) đã cán đích trước thời gian quy định (đạt 100%).
Một số mục tiêu đã đạt từ 57 - 60,5%, như: Tỷ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; tỷ lệ bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, DN chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được đánh giá an toàn thông tin và dán nhãn tín nhiệm mạng.
Tình hình triển khai 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, đăng ký DN, đất đai quốc gia, cán bộ công chức viên chức, hộ tịch điện tử toàn quốc cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Ví dụ, về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay đã kết nối 13 bộ, ngành, 4 DN, 63/63 địa phương. Tiếp nhận tổng số hơn 1 tỷ lượt yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân.
Nhiệm vụ trong quý IV/2023 là tập trung tổ chức triển khai đạt hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Quyết định số 17/QĐ-UBQG về chuyển đổi số. Đồng thời, khẩn trương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, công khai thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu theo quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP. Bộ TT&TT tổng hợp, công khai trên toàn quốc để các địa phương làm căn cứ xác định các cơ sở dữ liệu của mình. Ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý; cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch. Rà soát, hoàn hiện các văn bản pháp lý cho phép sử dụng dữ liệu chia sẻ có giá trị pháp lý tương đương với các thông tin, dữ liệu được chia sẻ thông qua văn bản hành chính. Triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh…

* ÔNG NGUYỄN CÔNG THỊ, GIÁM ĐỐC KỸ THUẬT - TRUNG TÂM GIẢI PHÁP CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ, TẬP ĐOÀN VNPT:
Bình Định cần cắt giảm thời gian, tái cấu trúc quy trình xử lý các thủ tục hành chính
 
Việt Nam đang bước vào giai đoạn 3 trong mô hình trưởng thành Chính phủ số của Gartner. Định hướng trong năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, gồm: Phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển thúc đẩy các nền tảng số sử dụng thống nhất; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu. Cùng đó là hình thành 32 chỉ tiêu quốc gia, gồm: 8 nội dung dữ liệu số; 8 nội dung Chính phủ số; 8 nội dung kinh tế số; 8 nội dung xã hội số. Mỗi bộ, ngành, địa phương căn cứ vào 32 chỉ tiêu quốc gia để tự đặt ra chỉ tiêu phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực, địa phương mình.
Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành với địa phương còn nhiều hạn chế, còn tình trạng “cát cứ thông tin”, nhiều thông tin, dữ liệu địa phương cần được chia sẻ từ các bộ, ngành để phục vụ chỉ đạo, điều hành nhưng chưa được chia sẻ. Mỗi địa phương đang triển khai theo một cách khác nhau, không có mô hình tham chiếu chuẩn để đảm bảo dữ liệu thống nhất từ trung ương xuống các địa phương. Dữ liệu có được phần lớn là các dữ liệu thô, nằm rải rác ở các hệ thống phân tán, rời rạc, thiếu đồng bộ. Khai thác dữ liệu của các đơn vị, cơ quan, gặp phải nhiều vấn đề do chồng chéo, tốn thời gian tổng hợp từ nhiều nguồn.
Tại Bình Định, chúng tôi triển khai việc hình thành, khai thác dữ liệu tại một số ngành, lĩnh vực, như: DN, HTX; phòng chống thiên tai; công chức viên chức; hành chính công; hộ nghèo, cận nghèo; giao thông.
Một số kết quả phân tích dữ liệu phục vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC), như: Khoảng 37.077 hồ sơ (chiếm 10,5%) có thời gian xử lý sớm hơn 50% lượng thời gian xử lý theo quy định; khoảng 15.686 hồ sơ (chiếm 4,4%) có thời gian xử lý sớm hơn 80% lượng thời gian xử lý theo quy định; khoảng 9.792 hồ sơ (chiếm 2,7%) có thời gian xử lý sớm hơn 95% lượng thời gian xử lý theo quy định. Tuy nhiên, khoảng 34.523 hồ sơ (chiếm 9,7%) có thời gian chờ nhận kết quả lớn hơn thời gian xử lý hồ sơ; khoảng 22.870 hồ sơ (chiếm 6,45%) có thời gian chờ nhận kết quả lớn hơn 1,5 lần thời gian xử lý hồ sơ; khoảng 37.853 hồ sơ (chiếm 10,7%) có thời gian chờ nhận kết quả kéo dài hơn 5 ngày.
Do vậy, chúng tôi kiến nghị Bình Định cắt giảm thời gian, tái cấu trúc quy trình xử lý các TTHC có thời gian xử lý sớm hơn 80% lượng thời gian xử lý theo quy định. Hệ thống đưa ra danh sách các thủ tục hành chính và phân tích đặc điểm của các thủ tục hành chính này để Ban chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính của tỉnh chỉ đạo thực hiện. Khuyến nghị nghiên cứu trả kết quả điện tử các TTHC. Cải tiến các phương thức trả kết quả như qua dịch vụ bưu điện…. Bộ phận một cửa và hệ thống chủ động yêu cầu công dân/DN nhận kết quả đúng hạn.

* ÔNG KHUẤT HOÀNG KIÊN, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC CNTT VÀ DỮ LIỆU TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG (BỘ TN&MT):
Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường
 
Ngành TN&MT là ngành thực hiện quản lý nhà nước, hoạt động chuyên ngành gồm 9 lĩnh vực: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; biển và hải đảo và viễn thám. Nhìn từ góc độ CNTT, hoạt động chính của ngành là tạo lập ra thông tin, số liệu và đưa ra các quyết định, chính sách dựa trên việc xử lý, phân tích, tổng hợp thông tin, dữ liệu. Do đó, Bộ TN&MT đặc biệt quan tâm đến xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu TN&MT phục vụ chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ trong toàn ngành, hướng tới mục tiêu quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và dựa trên dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn ngành.
Đến nay, Bộ TN&MT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành, ban hành một số văn bản thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số trong ngành TN-MT. Trong đó, có nghị định và các thông tư hướng dẫn thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Phê duyệt chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định nhiệm vụ “Phát triển hạ tầng dữ liệu” là nhiệm vụ trọng tâm và các kế hoạch chuyển đổi số 5 năm, hàng năm. Ban hành các quy trình, định mức, đơn giá trong xây dựng, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành và cụ thể cho từng cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, là sở cứ quan trọng trong xây dựng các nhiệm vụ, lập dự toán triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN-MT…
Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có 219/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng. Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai cho 231 đơn vị cấp huyện của 28 tỉnh, thành phố, với đầy đủ 4 thành phần (địa chính, thống kê kiểm kê đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và giá đất). Như vậy, tổng số cơ sở dữ liệu đất đai đến nay đã hoàn thành là 450/705 huyện…
Bên cạnh thuận lợi, việc xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT còn khó khăn, vướng mắc, như: Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng; tính pháp lý về việc sử dụng dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành cũng như độ tin cậy của dữ liệu chưa được đảm bảo. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, hệ thống thông tin có quy mô từ Trung ương đến địa phương có tính chất nền tảng chậm được triển khai, đưa vào khai thác trên quy mô quốc gia. Dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất; tính sẵn sàng và khả năng kết nối, độ mở của dữ liệu còn thấp; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn…
 
 
 

Tác giả bài viết: TRỌNG LỢI - NGỌC NHUẬN - THẢO KHUY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây